Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động

Điều 6. Miễn nhiệm hòa giải viên lao động

1. Hòa giải viên lao động miễn nhiệm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có đơn xin thôi tham gia hòa giải viên;

b) Không hoàn thành nhiệm vụ hòa giải;

c) Có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng uy tín, thẩm quyền, trách nhiệm của mình làm phương hại đến lợi ích của các bên hoặc lợi ích của Nhà nước trong quá trình hòa giải hoặc từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng.

2. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên lao động:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn nhiệm hòa giải viên lao động theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ đơn xin thôi tham gia hòa giải viên hoặc mức độ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hành vi vi phạm pháp luật của hòa giải viên lao động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc miễn nhiệm hòa giải viên lao động;

c) Trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên lao động thực hiện theo quy định tại Điểm d, Điểm đ, Điểm e và Điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

-----------------------------------------------------

Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Điều 9. Miễn nhiệm hòa giải viên lao động

1. Miễn nhiệm hòa giải viên lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có đơn xin thôi tham gia hòa giải viên lao động theo mẫu số 05/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Có 2 năm liên tục được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

c) Có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng uy tín, thẩm quyền, trách nhiệm của mình làm phương hại đến lợi ích của các bên hoặc lợi ích của Nhà nước trong quá trình hòa giải thuộc một trong các trường hợp sau:

- Một trong các quy định tại Điều 3 của Luật phòng, chống tham nhũng;

- Thực hiện nhiệm vụ hòa giải không vô tư hoặc không khách quan.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì cuộc họp xem xét mức độ vi phạm pháp luật của hòa giải viên lao động với sự có mặt của hòa giải viên lao động, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, các bên có liên quan đến hành vi vi phạm của hòa giải viên lao động. Biên bản cuộc họp phải có chữ ký của hòa giải viên lao động, đại diện của các bên tham gia.

d) Có từ 02 lần trở lên không thực hiện nhiệm vụ hòa giải theo quyết định cử hòa giải viên lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng.

2. Văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị miễn nhiệm hòa giải viên lao động gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo Đơn xin thôi tham gia hòa giải viên lao động (đối với trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này) hoặc Báo cáo không hoàn thành nhiệm vụ hòa giải của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này) hoặc Biên bản họp xem xét mức độ vi phạm pháp luật của hòa giải viên lao động (đối với trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều này).

3. Quyết định miễn nhiệm hòa giải viên lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo mẫu số 06/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Bài viết