Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động

Điều 9. Thủ tục hoãn đình công

1. Thủ tục hoãn đình công được quy định như sau:

a) Khi nhận được quyết định đình công của Ban chấp hành công đoàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, nếu thấy cuộc đình công thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 Nghị định này thì trao đổi với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn cuộc đình công.

Đề nghị hoãn đình công gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm: tên doanh nghiệp nơi tập thể lao động đình công; địa điểm dự kiến diễn ra đình công; thời điểm dự kiến bắt đầu đình công; yêu cầu của tập thể lao động; lý do cần thiết phải hoãn cuộc đình công; kiến nghị hoãn đình công, thời hạn hoãn đình công và các biện pháp để thực hiện quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Căn cứ đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hoãn đình công và thông báo ngay đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động nơi dự kiến diễn ra đình công.

2. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ khi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được quyết định đình công của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ra quyết định hoãn đình công.

3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan phải thực hiện hoãn đình công.

 

 

Bài viết