Nghị định 196/2013/NĐ-CP quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn theo quy định sau đây:

a) Xây dựng quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý gồm một số nội dung cơ bản như sau: đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống Trung tâm trên địa bàn; dự báo về thị trường lao động để xác định số lượng và cơ cấu của hệ thống Trung tâm trên địa bàn; nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; số vị trí việc làm và kinh phí hoạt động thường xuyên;

b) Phê duyệt quy hoạch hệ thống Trung tâm trên địa bàn trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Thời gian quy hoạch tối thiểu là 05 năm, bảo đảm mỗi địa phương có ít nhất 01 Trung tâm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Gửi 01 bản quy hoạch về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Rà soát, sắp xếp lại Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn phù hợp với quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể, chấn chỉnh hoạt động của các Trung tâm thuộc quyền quản lý.

Đối với các Trung tâm giới thiệu việc làm đang thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đổi tên theo quy định tại Nghị định này để bảo đảm tính liên tục của việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

4. Quyết định số vị trí việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm và bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên cho Trung tâm thuộc quyền quản lý.

5. Chỉ đạo việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn.

6. Khen thưởng và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

7. Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý định kỳ 6 tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Bài viết