Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động

Điều 19. Trách nhiệm tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của cơ quan quản lý nhà nước về lao động

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể được quy định như sau:

1. Lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện thỏa ước lao động tập thể có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết thỏa ước lao động tập thể biết.

Trường hợp thỏa ước lao động tập thể chưa có hiệu lực thì cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu hai bên tiến hành thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và gửi đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

---------------------------------------------

Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Bộ Luật lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành

Điều 5. Trách nhiệm tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của cơ quan quản lý nhà nước về lao động

Trách nhiệm tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại Điều 19 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định như sau:

1. Lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm rà soát nội dung của thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì thực hiện như sau:

a) Đối với thỏa ước lao động tập thể chưa có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản gửi cho các bên ký kết thỏa ước lao động tập thể yêu cầu tiến hành thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và gửi bản thỏa ước lao động tập thể đã được các bên thương lượng, sửa đổi, bổ sung đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;

b) Đối với thỏa ước lao động tập thể đã có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết thỏa ước lao động tập thể biết.

 

Bài viết