Văn bản hợp nhất 4756/VBHN-BLĐTBXH năm 2015 hợp nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Điều 24a. Vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn20

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động;

b) Không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động;

c) Kỷ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn;

d) Quấy rối, ngược đãi, cản trở hoặc từ chối thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn;

đ) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn đối với người lao động.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây:

a) Có quy định hạn chế quyền của người lao động tham gia làm cán bộ công đoàn;

b) Chi phối, cản trở việc bầu, lựa chọn cán bộ công đoàn;

c) Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;

b) Buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;

c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này.

 

Bài viết